Tám chuyện

Tám chuyện: Có thai rồi, nên giữ hay bỏ

tam chuyen, phu nu tam chuyen, co thai, giu thai, pha thai – Chuyện “vượt rào” trong tình yêu hẳn sẽ vẫn êm đẹp với người trong cuộc, nếu một ngày cô gái không phát hiện mình vừa tượng hình một sinh linh.Nếu đôi tình nhân đã sẵn sàng cho đám cưới, đứa trẻ ấy càng như chất xúc tác giúp cuộc hôn nhân sớm diễn ra hơn. Nhưng nếu là những bạn trẻ còn đi học, công việc chưa ổn định, gia đình đôi bên chưa chấp nhận… thì sao?
Bà ngoại bất đắc dĩ


Chị N.T.Nữ, quê Trà Vinh, trọ ở phường Thảo Điền, Q.2, TP.HCM, là bà ngoại bất đắc dĩ vì con chị mới học xong lớp 12 đã có thai. Chị kể: “Khi con gái nói mẹ ơi, hình như con có thai… tôi thật sự bàng hoàng. Nhưng trái tim người mẹ giúp tôi không một lời to tiếng với con. Tôi thấy mình có lỗi khi chưa gần gũi giáo dục con mấy chuyện tế nhị này. Khi nói chuyện với con, tôi rất ngạc nhiên vì con tỏ ra người lớn, muốn sinh con…

Vì sợ chồng sẽ đánh đuổi con gái ra khỏi nhà, rồi làng xóm dị nghị, trăn trở mãi tôi mới nghĩ ra cớ đưa con lên thành phố ôn thi một thời gian rồi tính tiếp… Khi tôi đưa con lên Sài Gòn chồng tôi mới biết chuyện, nhưng anh không gọi điện hỏi thăm vì tức giận. Hai mẹ con tự bươn chải lấy cuộc sống… Nhờ trời, đủ ngày đủ tháng con gái tôi sinh một bé trai kháu khỉnh. Lúc đợi con sinh mà lòng mẹ đau như chính mình đang vượt cạn”…

Chị còn kể mỗi lần nghe tiếng thân thương “bà ơi” là bao nhiêu mệt mỏi, khó khăn dường như tiêu tan hết. Giờ đây chồng chị không còn giận mẹ con chị, hàng xóm cũng chẳng ai bận tâm tới chuyện con chị… “Nhiều khi tôi nghĩ nếu trước đó tôi la mắng con, bắt con đi giải quyết thì bây giờ sẽ thế nào…” – ánh mắt chị đong đầy xúc động nghĩ về những ngày đã qua.

Những cô gái hồn nhiên trong phòng tiểu phẫu

Tình cờ tôi đọc được tâm sự của chị T.L. (Hà Nội) trên blog: “Đưa đứa em họ khờ dại vào bệnh viện phụ sản hút thai mà lòng sao nặng trĩu. Đau lòng vì một sinh linh phải lìa trần khi chưa kịp nhìn thấy ánh sáng. Nhưng đắng lòng hơn khi chứng kiến bao cô gái trẻ bước vào phòng chờ tiểu phẫu với gương mặt bình thản, hồn nhiên cười đùa với nhau cho đỡ phí thời gian chờ đợi.

Tôi không thể nào quên hình ảnh năm cô gái độ tuổi đôi mươi ngồi cùng một chiếc giường, râm ran trò chuyện theo kiểu bạn bè thân quen.

Nhìn cả năm người đều mặc váy dành cho tiểu phẫu, tôi quay qua hỏi: “Thai của các em lớn không?” và nhận được câu trả lời lao xao: “Gần năm tháng…”, không chút e dè, không chút day dứt. Và tôi như chết lặng khi vừa lúc đó một thai phụ khệ nệ ôm bụng lách vào cánh cửa phòng tiểu phẫu, vọng ra tiếng nói của những người mặc áo blouse trắng: “Hơn bảy tháng rồi, phải côvắc hơi lâu…”. Lẽ nào xã hội bây giờ lại quá thản nhiên như vậy?”.

Có thể đó chỉ là một khoảnh khắc xám màu mà chị T.L. vô tình chứng kiến, bởi khó ai tin nổi những người mẹ phải bỏ đi máu mủ của mình mà không day dứt, ám ảnh.

Đứa con sinh ra từ nỗi hận

Mai Trang (25 tuổi) có thai năm 18 tuổi. Nhưng cậu sinh viên cô yêu đang sống phụ thuộc gia đình nên tìm mọi cách trốn tránh. Phũ phàng hơn cậu ta nói chắc gì cái thai đã là của mình. Từng định bỏ thai nhưng trước thái độ của người yêu, Mai Trang đầy hận thù quyết giữ lại đứa con và luôn nghĩ đó như là nghiệp chướng sau này của gã đàn ông tệ bạc.

Không người thân, không người chia sẻ, Mai Trang sinh con một mình, rồi làm đủ thứ nghề nuôi con, nuôi dưỡng nỗi hận thù. Nhưng đến giờ khi cậu con trai 6 tuổi đã vào lớp 1 thì Mai Trang dường như quên đi những nỗi hận thuở xưa. Đứa con đã trở thành điều quý giá nhất với cô. Mai Trang chia sẻ: “Tôi thấy cuộc sống ý nghĩa vì có con và muốn sống tốt hơn vì con”.
Người mẹ ít khi nào thản nhiên khi quyết định bỏ con mình, song nếu không có được điểm tựa khi chưa sẵn sàng thì họ sẽ rất chông chênh giữa đôi bờ “giữ hay bỏ”. Nhưng dù quyết định thế nào, người phụ nữ vẫn phải chịu trách nhiệm trực tiếp với tương lai của chính mình chứ không phải ai khác.